BS Phạm Nguyên Quý: 3 lý do giúp quảng cáo chữa ung thư thổi phồng vẫn có đất sống ở VN
Thứ ba, 30/01/2018 16:36
-
Khi gặp các dấu hiệu này, thì bệnh ung thư phổi cách bạn không còn bao xa
-
Ghép tế bào gốc cứu sống bé trai sinh non xơ phổi
Khi mắc bệnh ung thư nhiều bệnh nhân tìm đến các biện pháp chữa bệnh khác nhau, không ít người lao vào những phương pháp mà tác dụng thật ra chỉ được thổi phồng quảng cáo.
Khủng hoảng niềm tin
Sau một thời gian tham gia các nhóm Hỗ trợ bệnh nhân ung thư, tôi cứ luôn suy nghĩ về lý do mà nhiều người tìm kiếm hoặc nghe theo lời khuyên về thực phẩm chức năng (TPCN) hay các phương pháp được cho là có tác dụng chữa ung thư. Vậy gốc rễ vấn đề nằm ở đâu?
Những thảo luận qua Webinar mà nhóm VietMD, Y học cộng đồng cùng các bác sĩ tại Việt Nam tổ chức đã làm nổi rõ ba nguyên nhân chính:
- Chăm sóc giảm nhẹ và xử trí triệu chứng cho bệnh nhân tại bệnh viện và tại nhà còn yếu.
- Bệnh nhân và người thân có nhiều thắc mắc, lo lắng nhưng thiếu thời gian trao đổi và phương tiện/kênh thông tin giải đáp và giúp họ hiểu đúng về bệnh tật và phương pháp điều trị.
- Quản lý thị trường lỏng lẻo để quá nhiều đơn vị, cá nhân kinh doanh TPCN hay cung cấp các phương pháp chưa được công nhận trong điều trị ung thư nhưng vẫn mạnh miệng phát tán thông tin sai về chữa hay hỗ trợ chữa bệnh.
(Ảnh minh họa)
Nhưng vấn đề cốt lõi nhất vẫn là khủng hoảng niềm tin về y tế đang làm tiền đề hoặc bị lợi dụng dẫn dắt đến các phương pháp điều trị không chính thống.
"Không chính thống" ở đây có nghĩa là chưa/không được khảo sát, kiểm chứng đầy đủ, một cách khoa học về độ an toàn và sự hiệu quả để các Hiệp hội bác sĩ chuyên ngành khuyến khích sử dụng trên người bệnh.
Nghiên cứu trên người không đơn giản
Để làm nghiên cứu trên người "đúng khoa học" không hề đơn giản. Vì bản thân mỗi người bệnh có hoàn cảnh và các yếu tố khác nhau có thể ảnh hưởng tới kết quả điều trị, như tuổi tác, giới tính, tổng trạng, giai đoạn bệnh, loại ung thư, nơi di căn, kích thước và triệu chứng hiện tại, bệnh đi kèm, thuốc đang sử dụng, chức năng gan, thận,…và nhiều biến số khác.
Trong mỗi nghiên cứu, người ta chỉ có thể khảo sát sự tương quan giữa một số yếu tố nhất định. Ví dụ: Để chứng minh một phương pháp mới có thể cải thiện thời gian sống (overall survival), người ta sẽ chia bệnh nhân thành 2 nhóm điều trị theo phương pháp mới và phương pháp cũ.
Tuy nhiên, cách chia này phải theo cách ngẫu nhiên (randomized) để những yếu tố liên quan tới thời gian sống như giới tính, độ tuổi, giai đoạn bệnh, loại ung thư, nơi di căn, tổng trạng,… được cân bằng giữa hai nhóm này.
Ví dụ, nếu phân chia không quân bằng thì nhóm có nhiều bệnh nhân giai đoạn muộn hơn hoặc bệnh đi kèm nặng hơn sẽ dễ có kết quả điều trị xấu hơn. Trong những nghiên cứu đa quốc gia,
yếu tố vùng miền cũng ảnh hưởng, như bệnh nhân ung thư phổi Châu Á thường có tỉ lệ đáp ứng và thời gian sống cao hơn Âu Mỹ, và các yếu tố chủng tộc này cũng được tính tới trong quá trình phân bổ người bệnh.
Ngoài "thời gian sống" là một mục tiêu điều trị (outcome hay target), để đánh giá hiệu quả của phương thức điều trị mới cụ thể là gì, người ta còn có thể khảo sát những yếu tố như thời gian bệnh không tiến triển, tỉ lệ bệnh đáp ứng với thuốc, thời gian thuốc giữ tác dụng, tỉ lệ sống sót hoặc tái phát sau 5 năm, tỉ lệ bị tác dụng phụ…
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, một nghiên cứu có thể đánh giá nhiều mục tiêu điều trị cùng lúc, nhưng người ta phải luôn xác định từ trước khi tiến hành một mục tiêu chính (Primary outcome) và có thể là một số mục tiêu phụ (Secondary outcome) khác.
Đó là vì theo xác suất, khi đánh giá càng nhiều mục tiêu thì khả năng kết luận được phương pháp mới này cho kết quả tốt ở một điểm nào đó do "ăn may" sẽ nhiều hơn và như vậy là không chính xác.
Giống như thầy bói nếu đoán 100 thứ về cuộc đời bạn thì thể nào cũng trúng một vài thứ! Nhóm nghiên cứu nào cũng muốn chứng minh phương pháp mới của mình giúp ích cho người bệnh theo một mặt nào đó, nhưng tất cả quá trình và kết quả nghiên cứu sẽ được soi rất kỹ để họ không đưa ra các kết luận lệch lạc hay có sơ hở về mặt khoa học.
Vì những thách thức nói trên và nhiều khó khăn khác mà số nghiên cứu khoa học có chất lượng cao và khá cao không nhiều. Các Hiệp hội y khoa thường rà soát bàn luận định kỳ các bằng chứng khoa học mới để cập nhật hướng dẫn điều trị, như ở một số loại ung thư là làm hằng năm.
Người ta thường đưa ra các khuyến cáo kèm theo đánh giá về độ tin cậy của chúng, dựa trên mức độ chính xác của nghiên cứu đã công bố. Trên thực tế, có rất nhiều nghiên cứu về ung thư được công bố nhưng cái gọi là nghiên cứu trụ cột/key studies làm thay đổi nội dung hướng dẫn điều trị của các hiêp hội chuyên ngành thì chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Nói như vậy thì những nghiên cứu trên tế bào, trên động vật hoặc trên một số người và chưa đúng chuẩn mực khắt khe của nghiên cứu lâm sàng hoàn toàn vô dụng? Những nghiên cứu đó không hoàn toàn vô dụng mà nó sẽ là tiền đề cho những nghiên cứu lâm sàng tốt hơn trong tương lai.
Tuy nhiên, về các bác sĩ sẽ phải rất thận trọng vì đa số nghiên cứu "có kết quả tốt" trên động vật không thành công khi chứng minh trên người. Những nghiên cứu chỉ trên một nhóm bệnh nhân không có đối chứng (như điều trị bằng phương pháp tiêu chuẩn hiện hành) thì không thể so sánh kết luận gì.
Nghiên cứu có chia hai nhóm so sánh mà không đủ quân bằng về các yếu tố ảnh hưởng tới kết quả điều trị (yếu tố làm nhiễu) thì kết luận có thể sai. Chính vì độ tin cậy thấp và không đủ thuyết phục này mà các bác sĩ không khuyến khích bệnh nhân.
Tỉ lệ thành công 1% thì có nên thử?
Nếu so sánh việc tư vấn điều trị với việc tư vấn tìm lò luyện thi đại học, thì Hướng dẫn điều trị của Hiệp hội chuyên ngành sẽ giống như bảng liệt kê các nơi luyện thi có khả năng đậu cao, nơi người ta biết rõ lò luyện thi A, B, C có tỉ lệ đậu cao hay thấp, và có thể giúp ích ở tình huống nào.
Những lò luyện thi không có số liệu hoặc số liệu mù mờ thì người ta không ghi vào hoặc khuyến cáo không nên theo.
Dù vậy, vẫn có rất nhiều nơi quảng cáo nhan nhản "Phương pháp này có thể điều trị ung thư" hoặc "Sản phẩm này có khả năng hỗ trợ điều trị ung thư". Vậy chữ "có thể" hay "khả năng" đó nên được hiểu thế nào?
• Khả năng chữa bệnh 30% thì có khác với 1% không?
• Tỉ lệ 1% hay 0.1% thì có gọi là có khả năng hay có thể chữa bệnh không? Vài người trong xóm sử dụng và "thấy tốt" thì có gọi là có khả năng chữa bệnh không?
• Nghiên cứu chỉ mới làm trên chuột, không có số liệu trên người thì có thể chữa bệnh trên người không?
Có thể còn nhiều câu hỏi thú vị khác, và mỗi người sẽ có thể có câu trả lời khác, tùy vào hoàn cảnh. Trong điều trị ung thư, các nghiên cứu kéo dài 5-7 năm đôi khi chỉ để chứng minh tăng được tỉ lệ không tái phát thêm 10% đã là đáng mừng rồi. Đối với một số bệnh nhân, tỉ lệ sống sót tăng thêm 1% thôi cũng là kỳ vọng.
Tuy nhiên, chúng ta nên lưu ý tới cách nghĩ ngược lại, là 99% thất bại, và như vậy có đáng để đầu tư chạy theo nó hay không? Các phương pháp chưa có số liệu hay số liệu có thể sai thì sao?
Chính tâm lý kỳ vọng và muốn làm mọi thứ có thể, dựa trên nguồn thông tin hạn chế mà nhiều người rơi vào bẫy diễn đạt "có thể chữa bệnh" của các phương pháp chưa/không chính thống.
Xin lưu ý thêm rằng hầu hết thông tin về hiệu quả của thực phẩm chức năng hay các phương pháp không chính thống (như Nano vàng, "liệu pháp miễn dịch" trá hình,…) đều được cung cấp và xuất phát từ công ty và người bán hàng. Chữ "có thể" nhiều khi còn "bị quên" hoặc được "nói gọn" để người ta đồn miệng thành "phương pháp này chữa được ung thư"!
Đó chính là lý do mà các quảng cáo chữa ung thư, dù quá tay, vẫn đang có đất sống. Nếu hiểu rõ diễn đạt "khả năng chữa bệnh" cụ thể là gì, bệnh nhân và người thân sẽ có thể lựa chọn sáng suốt và đúng đắn hơn.
Theo Trí thức trẻ