Nghiên cứu 20 năm trên hơn 100.000 người: Đây là thủ phạm có thể gây ung thư trực tràng
Thứ ba, 30/01/2018 18:48
-
10.000 người được tầm soát ung thư đại trực tràng miễn phí
-
GĐ Trung tâm Ung bướu: Dấu hiệu sớm của ung thư đại trực tràng khi đi ngoài bạn cần chú ý
Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra được điểm mấu chốt của vấn đề đó là chế độ ăn uống có liên quan đến nguy cơ phát triển ung thư trực tràng.
Nghiên cứu mới đây tại Mỹ cho thấy những người tiêu thụ nhiều thực phẩm có liên quan đến chứng viêm mãn tính như thịt đỏ và ngũ cốc tinh chế, có nguy cơ phát triển ung thư trực tràng (hay còn gọi là ung thư đại trực tràng) nhiều hơn những người có khuynh hướng hạn chế các thực phẩm này.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành khảo sát thói quen ăn uống của 74.246 y tá nữ và 46.804 chuyên gia sức khoẻ nam giới trong vòng 20 năm. Họ đã phân loại các đối tượng nghiên cứu thành 5 nhóm khác nhau dựa trên mức độ và khẩu phần ăn hàng ngày có liên quan đến cơ chế gây viêm trong cơ thể.
Kết quả nghiên cứu được đăng trên tạp chí danh tiếng JAMA Oncology kết luận, so với những người có chế độ ăn ít có khả năng gây viêm, những người ăn chế độ ăn các thực phẩm nhiều khả năng gây viêm sẽ có nguy có phát triển ung thư trực tràng cao hơn 32%.
Tác giả chính của nghiên cứu, ông Fred Tabung tại trường Y tế Havard T.H Chan cho biết: "Chế độ ăn uống có liên quan đến mức độ viêm cao hơn sẽ kích thích hệ thống ruột già, dẫn tới việc tạo ra chất trung gian cao hơn mức trung bình gây viêm lên tục, từ đó góp phần vào nguy cơ phát triển ung thư".
Tabung cho biết: "Một chế độ ăn uống gây viêm cao là chế độ ăn gồm: nhiều thịt đỏ, thịt chế biến sẵn, nội tạng, ngũ cốc tinh chế, đồ uống có đường và trà, cà phê, ít rau có lá và rau màu xanh đậm".
Nghiên cứu cho thấy, nam giới có chế độ ăn nhiều chất gây viêm có nguy cơ bị ung thư đại trực tràng cao hơn 44% so với nam giới có chế độ ăn ít gây ra chứng viêm. Trong khi đó, tỷ lệ nói trên ở phụ nữ là 22%.
Thậm chí, nguy cơ ung thư trực tràng còn cao hơn ở những nam giới thừa cân hoặc béo phì và ở phụ nữ gầy, cũng như ở những người đàn ông và phụ nữ kể cả không tiêu thụ rượu.
Ngoài ra, còn một số yếu tố nguy cơ chủ yếu gây ung thư trực tràng bao gồm tiền sử gia đình, tiền sử cá nhân từng có khối u hoặc mắc ung thư, môt số bệnh như viêm loét đại tràng không được kiểm tra thường xuyên.
Không hút thuốc lá, duy trì cân nặng khoẻ mạnh và dùng đúng liều lượng aspirin có nguy cơ ung thư tràng thấp hơn.
Dù vậy, hạn chế của nghiên cứu này là đòi hỏi người tham gia nghiên cứu phải nhớ chính xác những gì họ ăn uống trong quá trình khảo sát. Ngoài ra, nghiên cứu cũng không thể chứng minh được liệu một số thói quen ăn uống nhất định có thể ảnh hưởng trực tiếp đến nguy cơ phát triển ung thư đại trực tràng hay không.
Mặc dù vậy, kết quả nghiên cứu cũng đã chỉ ra được điểm mấu chốt của vấn đề đó là chế độ ăn uống kiểu phương Tây bao gồm nhiều thực phẩm gây viêm như thịt, ngũ cốc tinh chế và ít rau quả có thể tăng nguy cơ ung thư trực tràng, theo nhà nghiên cứu Ursula Schwab về dinh dưỡng học thuộc Đại học Đông Phần Lan cho biết.
"Nghiên cứu này đã thêm vào những bằng chứng trước đây chứng minh rằng, thực phẩm có nguy cơ gây viêm cao liên quan đến một số loại bệnh như ung thư, tiểu đường tuýp 2 và các bệnh tim mạch", nhà nghiên cứu Ursula Schwab nhận định.