Liệu pháp điều trị ung thư không tốn tiền nhưng vẫn có tác dụng xoa dịu đau đớn
Trong thực tế, mối quan hệ với những người xung quanh là chỗ dựa sau cùng giúp bệnh nhân giữ vững niềm tin. Tình yêu thương có thể giúp tăng khả năng chữa bệnh lắm chứ.
PV: Xin chào bác sĩ Quý, anh vừa có bài chia sẻ rất hay về việc nhiều bệnh nhân ung thư tại Việt Nam tin vào quảng cáo chữa bệnh bằng thực phẩm chức năng (TPCN) hay các phương pháp mới chỉ là thử nghiệm sơ khai chưa được chứng minh công hiệu và an toàn trên người.
Trên thực tế, có trường hợp nào bác sĩ cảm thấy không đủ bằng chứng mà vẫn điều trị không?
BS.TS. Phạm Nguyên Quý: Lượng thông tin tham khảo có bằng chứng chất lượng cao thật ra không nhiều. Vì thế, không phải tất cả mọi lựa chọn điều trị đều có đủ bằng chứng hỗ trợ. Thật ra, trên lâm sàng cũng có nhiều tình huống mà bác sĩ phải tư vấn để bệnh nhân chọn theo phương pháp không đầy đủ dữ liệu thực tế (hay không biết phác đồ tiêu chuẩn).
Đó là những trường hợp ung thư hiếm gặp, ung thư không rõ vị trí nguyên phát ở đâu, hoặc những ca không nằm trong độ tuổi được nghiên cứu (người trên 65-75 tuổi thường bị loại ra khỏi nghiên cứu lâm sàng). Một số bệnh đi kèm không biết có ảnh hưởng gì đến điều trị hay không.
Những bệnh nhân bị yếu thận hoặc yếu gan cũng sẽ được điều trị theo kinh nghiệm và khuyến cáo chung, chứ không hẳn là có bằng chứng rõ vì các đối tượng này thường không được mời tham gia thử nghiệm lâm sàng.
Ngoài ra, vẫn có nhiều ca đã qua hết các phác đồ tiêu chuẩn nhưng người bệnh vẫn còn muốn tìm kiếm cách tiếp cận mới. Khi đó, các bác sĩ sẽ cùng bệnh nhân tìm vận may cao nhất dựa vào thông tin từ các nghiên cứu liên quan, nhưng cũng phải theo quy tắc là có đánh giá độ an toàn và hiệu quả điều trị trên người.
Các kết quả trên động vật và tế bào chỉ là để tham khảo và rất ít khi dùng để khuyến cáo điều trị.
Tại nhiều trung tâm ung thư lớn, nhiều khi người ta phải mở hẳn một Hội đồng y đức/luân lý để bình duyệt xem liệu pháp mà bệnh nhân chọn lựa đó có thật sự phù hợp không. Thông thường thuốc hay phương pháp đó phải qua được giai đoạn 1 của nghiên cứu lâm sàng, hoặc đã được sử dụng cho các loại ung thư khác trên người.
Tất cả là vì sự an toàn và hiệu quả điều trị; các BS cố gắng hạn chế tối thiểu sự đầu tư vô ích của bệnh nhân vì họ biết sự không chắc chắn của kết quả điều trị.
PV: Bác sĩ nghĩ gì về ảnh hưởng của cách giải thích thông tin lên lựa chọn điều trị?
BS TS Phạm Nguyên Quý: BS. William Osler, người hay được gọi là Cha đẻ của y học đương đại đã nói rằng "Y học là khoa học của sự bất định và là nghệ thuật của sự may rủi".
Điều này có nghĩa là, các nghiên cứu y học có thể chỉ ra chính xác tỉ lệ thành công (ví dụ 80%) hoặc nguy cơ gặp tác dụng không mong muốn (ví dụ 10%) của một phương pháp điều trị, nhưng cảm nhận về các con số đó ở mỗi bệnh nhân là thứ có thể thay đổi do cách giải thích của bác sĩ.
Cũng là nguy cơ gặp tác dụng phụ 10% nhưng nhiều bệnh nhân sẽ an lòng, nhẹ nhõm hơn nếu bác sĩ nói rằng 90% bệnh nhân chẳng có vấn đề gì.
Ngược lại, bệnh nhân sẽ lo lắng hơn nếu bác sĩ nhấn mạnh rằng có tới 1/5 ca bệnh không chữa được! Cùng là một con số nhưng cách giải thích phải "nghệ thuật" sao cho bệnh nhân yên lòng và tăng niềm tin vào điều trị.
Một số bác sĩ kể rằng, người bán sản phẩm TPCN có cách giải thích rất hay làm người bệnh và thân nhân tin hơn là khi nghe bác sĩ nói về hóa trị, mặc dù hóa trị có nhiều bằng chứng thuyết phục hơn.
Oái ăm là vậy nhưng đó là thực tế rất nên lưu ý để thấy rằng kỹ năng giao tiếp, nghệ thuật nói chuyện và quá trình theo dõi xử trí các lo lắng của bệnh nhân là rất quan trọng để tạo dựng và gìn giữ niềm tin.
PV: Niềm tin của bệnh nhân có thể giúp tăng hiệu quả điều trị không?
BS.TS. Phạm Nguyên Quý: Câu trả lời là có. Trong một bài phỏng vấn gần đây, Chủ tịch Hiệp hội Đông Y Nhật Bản đã chân thật khuyên rằng, khi cho thuốc Bắc, bác sĩ nên nói "Thuốc này thường có tác dụng giúp đỡ mệt". Vì bản thân ông thấy câu này dễ làm bệnh nhân "khỏe hơn" là khi nói "Thuốc này có tác dụng hay không thì tôi cũng không chắc!".
Chỉ một câu nói của bác sĩ có thể thay đổi cảm nhận và hi vọng của bệnh nhân về phương pháp điều trị, và có thể mang đến hiệu quả tốt hơn trên thực tế.
Tác dụng không liên quan tới bản chất của phương pháp (như thành phần dược chất và nồng độ thuốc) được gọi là tác dụng placebo (giả dược, thuốc giả). Mặc dù cơ chế của nó vẫn còn chưa được hiểu rõ, nhiều nghiên cứu cho rằng tác dụng placebo liên quan tới ảnh hưởng tâm lý và niềm tin của người bệnh.
Trong một số nghiên cứu, trên một số mặt bệnh, thuốc là giả nhưng có khi tới 50% bệnh nhân cảm thấy có cải thiện triệu chứng!
Niềm tin với người bệnh rất quan trọng và không cần đến các phương pháp chữa sơ khai họ có thể tìm kiếm các niềm tin không mất tiền khác
Đó cũng là lý do mà những phương pháp điều trị mới ít nhất đều phải được so sánh công hiệu với nhóm placebo (nhóm điều trị giả vờ) để đánh giá chứng minh công dụng.
Chưa kể là những năm gần đây, người ta không chấp nhận so sánh với nhóm placebo mà phải so sánh với nhóm được điều trị bằng phương pháp tiêu chuẩn tại hoàn cảnh đó, vì nếu không bệnh nhân trong nhóm placebo sẽ mất đi cơ hội điều trị bằng phương pháp tiêu chuẩn hiện hành và điều này có thể gây thiệt hại.
PV: Qua những bài viết trước, bác sĩ đã cảnh báo TPCN có thể làm ảnh hưởng xấu tới kết quả điều trị ung thư. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân không còn cơ hội điều trị nào khác thì họ có được dùng TPCN hay các phương pháp không có bằng chứng không?
BS TS Phạm Nguyên Quý: Câu nói của vị Chủ tịch Hiệp hội Đông Y Nhật Bản ở trên đã đồng thời ám chỉ rằng, có nhiều phương pháp (ngay cả thuốc Bắc) bản thân nó chưa chứng minh được công dụng rõ ràng và nên nhờ thêm tác dụng placebo khi sử dụng.
Tôi đã từng tham gia chỉ trích các phương pháp dân gian, cho đến khi nghe chuyện nhiều bệnh nhân tại Việt Nam đã phải bỏ điều trị tiêu chuẩn để về quê uống lá đu đủ vì không có tiền.
Trong những tình huống đó, việc rêu rao rằng lá đu đủ không có tác dụng gì chẳng khác nào tước đi niềm hi vọng mong manh, hay cứu cánh cuối cùng của họ.
Chính vì vậy, sau đó tôi thường rất hạn chế "nói thẳng" về hiệu quả của các phương pháp chưa đủ bằng chứng mà nên tùy đối tượng đó là ai, trong hoàn cảnh nào để cân nhắc trước khi nói. Nếu sản phẩm nào đó giúp bệnh nhân ổn định tinh thần thì có thể là một lựa chọn.
Tuy nhiên, tôi không đồng tình với việc đầu tư cho những phương pháp chưa được kiểm chứng nhưng mắc tiền, thậm chí cực kỳ mắc tiền, để mua lấy sự an lòng.
Nhiều bệnh nhân vẫn đang được chào mời ra nước ngoài để truyền tế bào gốc, dùng phương pháp miễn dịch mới,… hay những thứ mà cả bệnh nhân ở nước sở tại cũng chưa mấy ai dùng thử. Bệnh nhân trong nước cũng đang được chào mời những sản phẩm như Nano vàng, Nọc bò cạp xanh Cuba, Fucoidan,… với giá không hề rẻ.
Trong điều trị ung thư, ngoài việc xử trí các tác dụng ngoại ý (tác dụng phụ) của thuốc như buồn nôn, chán ăn,… trên người bệnh, người ta đang chú trọng và chỉ trích cả tác dụng phụ hay "độc tính" về mặt tài chính (financial toxicity): bệnh chưa chữa được mà phải tan gia bại sản, và đó là điều không hay.
Cũng là tác dụng tương tự như placebo hoặc không rõ, trong một rừng sản phẩm như vậy thì bệnh nhân có quyền hỏi sao không chọn thứ nào rẻ tiền để thử?
PV: Có thứ nào không tốn tiền mà vẫn cho tác dụng xoa dịu không bác sĩ?
BS TS Phạm Nguyên Quý: Tôi nghĩ là có. Những người tìm hiểu về lịch sử y khoa có thể đã nghe về Thánh địa Asclepeion, hay còn gọi là Đền xoa dịu (Healing temple) thờ Asclepius, vị thần y học trong truyền thuyết Hy Lạp.
Đây là nơi mà ngày xa xưa, cái thời chẳng có thuốc men gì, nhiều bệnh nhân đã đến cầu nguyện, đôi khi ngủ lại, để được xoa dịu về thể chất lẫn tinh thần.
Trong bối cảnh bệnh nhân ung thư vẫn phải nằm ghép giường, ngủ dưới gầm giường hay hành lang bệnh viện, thánh địa Asclepeion ở Việt Nam có thể là những nhà thờ, nhà chùa,… để người bệnh tìm thấy nơi tịnh tâm, cầu nguyện và nhận được sự an ủi sẻ chia từ cộng đồng.
Trong thực tế, mối quan hệ với những người xung quanh là chỗ dựa còn lại sau cùng giúp bệnh nhân giữ vững niềm tin trong những ngày nghiệt ngã. Tình yêu thương có thể giúp tăng khả năng chữa bệnh lắm chứ.
Theo Trí thức trẻ